Không phải đau thắt lưng đều giống nhau

Lưng của chúng ta bao gồm 30 xương xếp thành một cột, được bao quanh bởi các cơ và dây chằng, cho phép cơ thể di chuyển, đi, đứng, uốn cong, ngồi và xoay người. Nó kết nối các bộ phận khác của khung xương, bảo vệ tủy sống và các rễ thần kinh. Theo một cách nào đó thì mọi chuyển động của cơ thể đều có liên quan đến lưng, sự hỗ trợ liên tục này khiến cho lưng dễ bị tổn thương.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% người dân từng bị ít nhất 1 lần đau lưng trong suốt cuộc đời. Tại Việt Nam tỉ lệ mắc đau lưng cũng tương tự các nước trên thế giới. Hơn 1/3 số người bệnh đến khám tại Phòng khám Nội Cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV. ĐHYD) vì đau lưng là người bệnh trẻ trong độ tuổi lao động (từ 20 – 50 tuổi). Ở độ tuổi này, đau lưng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến chất lượng làm việc.

Không phải tất cả các cơn đau lưng đều giống nhau và các triệu chứng có thể rất khác nhau, từ những cơn đau nhói, dữ dội hoặc như kim châm đến cơn đau âm ỉ, kéo dài liên tục.

Đôi khi, một người bị đau lưng có thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu, chẳng hạn như khi cố gắng nâng một vật nặng hoặc sau khi ngã. Thông thường hơn, không có tác nhân hoặc sự kiện cụ thể nào dẫn đến cơn đau.

Hiểu được nguyên nhân của đau lưng, cùng với các triệu chứng, có thể giúp bạn và các bác sĩ đưa ra lựa chọn điều trị tốt nhất cho bạn.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau lưng:

Căng cơ hoặc dây chằng

Khi trực tiếp mang, vác, nâng các vật nặng mà không có dụng cụ giúp đỡ hoặc lặp đi lặp lại một hành động cũng có thể khiến cơ và dây chằng cột sống của bạn bị quá tải dẫn tới tình trạng căng đau ở lưng. Cơn đau này trầm trọng hơn khi bạn co cơ hoặc vặn mình, có thể bị đỏ, sưng hoặc bầm tím. Cơn đau thường dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày.

Phình/lồi đĩa đệm

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là bao xơ, ở giữa là nhân nhầy. Nhiệm vụ của chúng là giúp cho cột sống hoạt động nhịp nhàng, linh hoạt và giảm áp lực lên cột sống. Do thoái hóa, chấn thương hoặc vận động sai tư thế trong thời gian dài, bao xơ và sụn quanh đĩa đệm bị suy yếu, khó giữ nhân nhầy ở vị trí đúng. Nhân nhầy chuẩn bị thoát ra khỏi bao xơ nên làm đĩa đệm phình to bất thường và chèn ép đè lên các dây thần kinh.

Đĩa đệm phồng lên mà không gây đau là khá phổ biến. Đau do phồng đĩa đệm thường xảy ra ở vùng thắt lưng và lan xuống hông, mông hoặc chân. Tình trạng đau thường tồi tệ hơn khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bị rách dẫn đến các nhân nhầy phía bên trong thoát ra ngoài, chèn ép lên các rễ thần kinh xung quanh cột sống gây nên những cơ đau đớn, khó chịu.

So với phồng đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm dễ gây đau hơn vì nó nhô ra xa hơn và dễ gây kích thích các rễ thần kinh hơn. Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm thoát vị mà có thể bị đau, tê hoặc yếu một hoặc cả hai chân. Chúng thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa được đặt tên theo dây thần kinh tọa, đây là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể. Đau thần kinh tọa thường xảy ra nhất khi đĩa đệm bị thoát vị, xương trên cột sống hoặc hẹp ống sống làm chèn ép một phần của dây thần kinh gây ra viêm, đau và thường là tê ở chân bị ảnh hưởng.

Đau dây thần kinh tọa là một cơn đau nhói, dữ dội, chạy từ thắt lưng xuống bên hông hoặc phía sau chân. Thông thường, đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể. Mặc dù cơn đau liên quan đến đau thần kinh tọa có thể nghiêm trọng, nhưng trong hầu hết các trường hợp cơn đau sẽ được giải quyết bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật trong vài tuần.

Viêm khớp

Đau thắt lưng thường do thoái hóa khớp, loại viêm khớp phổ biến nhất. Viêm khớp khiến không gian xung quanh tủy sống hoặc rễ thần kinh bị thu hẹp, hay còn được gọi là hẹp ống sống. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở vùng cổ và thắt lưng. Các triệu chứng thoái hóa khớp vùng thắt lưng phổ biến nhất là đau cả hai chân, ngứa ran, tê và đôi khi yếu cơ. Các triệu chứng thường xuất hiện khi đứng lâu hoặc đi bộ một quãng đường dài.

Thoái hóa đĩa đệm

Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng các đĩa đệm bị mất nước, co rút lại làm mất đi độ đàn hồi do tuổi tác hoặc một số nguyên nhân khác, khiến các đốt xương gần nhau hơn làm cho cột sống kém linh hoạt, gây nên các tổn thương về dây thần kinh và cột sống ở cổ, ngực và thắt lưng (phổ biến nhất là cột sống lưng).

Đây là một căn bệnh mãn tính thường gặp, nhất là với những người lớn tuổi. Bệnh tiến triển dần từ nhẹ đến nặng và không có biểu hiện viêm. Các triệu chứng nếu có thì rất khác nhau về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Nói chung, cơn đau đến và biến mất trong một thời gian dài. Bạn thể cảm thấy tốt hơn khi thay đổi tư thế hoặc đi bộ, và tồi tệ hơn khi bạn ngồi, cúi hoặc vặn người.

Thoái hóa đốt sống

Thoái hóa đốt sống là một thuật ngữ chung cho sự hao mòn xương ở cột sống do tuổi tác. Khi các đĩa đệm mất nước và co lại, xuất hiện các phần xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống gọi là gai xương.

Hơn 85% những người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi chúng. Hầu hết các gai xương không gây ra triệu chứng hoặc đau đớn. Bạn có thể không biết mình có gai xương cho đến khi gai xương được phát hiện trên hình ảnh chụp cột sống.

Bất thường về xương

Đau lưng có thể xảy ra nếu cột sống của bạn cong bất thường hoặc nếu các xương không xếp chồng trực tiếp lên nhau (thân đốt sống bị “trượt”). Các đường cong bất thường hoặc thân đốt sống bị trượt đôi khi có thể góp phần gây ra đau lưng.

Khi nào thì bạn nên đi khám?

Hầu hết các cơn đau thắt lưng – ngay cả khi nghiêm trọng – sẽ tự biến mất sau sáu đến tám tuần bằng cách tự chăm sóc, chẳng hạn như nghỉ ngơi sau khi mang vác nặng, chườm nóng hoặc chườm đá, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn và kéo giãn cơ. Vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau lưng và chân tay đáng kể, và thông thường mọi người không cần chụp ảnh hoặc đánh giá thêm bằng các biện pháp này.

Bạn cần phải đi khám nếu cơn đau lưng xảy ra sau một cú ngã hoặc một chấn thương khác, hoặc bạn có tiền sử ung thư.

Ngoài ra, hãy lên lịch hẹn khám nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đau lưng nào sau đây:

  • Đau liên tục hoặc dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi bạn nằm xuống.
  • Cơn đau trải xuống một hoặc cả hai chân.
  • Yếu, tê hoặc ngứa ran ở một hoặc cả hai chân.
  • Cơn đau xuất hiện với biểu hiện sốt, sưng tấy hoặc mẩn đỏ trên lưng.
  • Đau lưng xảy ra khi giảm cân ngoài ý muốn.
  • Cơn đau đi kèm với các vấn đề về kiểm soát ruột hoặc bàng quang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *