Trầm cảm: Triệu chứng, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Trầm cảm là gì?

Mặc dù thỉnh thoảng mọi người đều cảm thấy buồn, nhưng nếu điều đó xảy ra vào hầu hết các ngày trong hơn hai tuần, đó có thể là bạn đang bị trầm cảm. Trầm cảm nặng là giai đoạn buồn bã, cáu kỉnh, mất hết động lực sống, xảy ra với các triệu chứng khác, kéo dài ít nhất hai tuần liên tiếp và đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người. Trầm cảm không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối hay một khuyết điểm của người mắc phải. Đây là một bệnh và có thể điều trị được.

Những bức ảnh chụp PET não cho thấy não ở một người bị trầm cảm hoạt động ít hơn so với người không bị trầm cảm.

Hình ảnh chụp não của người bị trầm cảm (bên trái) và người bình thường (bên phải)

Trầm cảm: Các triệu chứng cảm xúc

Các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh trầm cảm thường là tâm trạng buồn bã hoặc cáu kỉnh và/hoặc mất hứng thú với tất cả hoặc hầu hết các hoạt động từng là thú vui. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy tội lỗi mặc dù không làm gì sai, cũng như cảm thấy vô giá trị, vô vọng và/hoặc tái diễn ý nghĩ muốn chết, giết hoặc tự làm hại bản thân, như tạo những vết thương trên người hoặc tự thiêu.

Các triệu chứng trầm cảm: Thể chất

Trầm cảm đôi khi có thể được kết hợp với các triệu chứng thực thể. Có thể bao gồm những điều sau:

  • Mệt mỏi và mức năng lượng thấp
  • Khó ngủ, đặc biệt là thức dậy vào sáng sớm
  • Ngủ quá nhiều
  • Đau hoặc nhức, đặc biệt là đau đầu, chuột rút cơ hoặc các vấn đề tiêu hóa (ví dụ: đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón) không cải thiện ngay cả khi điều trị tập trung vào cơn đau
  • Cảm xúc dường như chậm lại hoặc kích động

Trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề y khoa khác, đặc biệt là những vấn đề gây đau mãn tính. Một số chất hóa học trong não ảnh hưởng đến cơn đau và tâm trạng, và điều trị trầm cảm có xu hướng cải thiện các triệu chứng và kết quả của nhiều bệnh thể chất.

Trầm cảm: Các triệu chứng thèm ăn

Sự thèm ăn ở một số người bị trầm cảm có thể tăng hoặc giảm, điều này dẫn đến tình trạng giảm hoặc tăng cân đáng kể.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào

Nếu không được điều trị, các triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể tác động tiêu cực đến các hoạt động, các mối quan hệ và sự nghiệp của người mắc bệnh. Những người trầm cảm thường khó tập trung và đưa ra quyết định. Họ có thể ngừng tham gia các hoạt động mà họ từng yêu thích, bao gồm cả tình dục, cũng như không còn dành thời gian cho những người thân yêu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, trầm cảm có thể gây tử vong do giết người hoặc tự sát.

Các dấu hiệu cảnh báo về tự tử

Những người bị trầm cảm có nguy cơ cố gắng tự tử. Các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm nói về việc tự tử hoặc sắp chết, đe dọa làm tổn thương người khác, trở nên cáu kỉnh hoặc chấp nhận rủi ro quá mức, cho đi đồ đạc cá nhân hoặc giải quyết công việc cá nhân. Cần hết sức coi trọng bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào cho việc tự tử và cần tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức, thông qua phòng cấp cứu gần nhất hoặc thảo luận với đường dây nóng về vấn đề tự tử.

Tại Việt Nam, đường dây nóng “Ngày mai” là một dịch vụ miễn phí, cung cấp thông tin về sức khoẻ tinh thần và tham vấn tâm lý trực tiếp qua điện thoại cho người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Số hotline là 096.306.1414, thời gian tiếp nhận cuộc gọi từ 13 giờ tới 20 giờ 30 các ngày thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. FB: https://www.facebook.com/duongdaynongngaymai

Ai có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm?

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm, nhưng nhiều người cho rằng tiền sử gia đình bị trầm cảm là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này. Ví dụ, là con hoặc anh chị em của một người trầm cảm sẽ làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn trầm cảm. Phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng này cao gấp đôi nam giới vào một thời điểm nào đó trong đời. Có thể khó xác định tần suất trầm cảm xảy ra như thế nào vì các triệu chứng của bệnh này có thể thay đổi phần nào tùy theo giới tính, tuổi tác và dân tộc.

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm

Trong khi không rõ nguyên nhân cụ thể gây ra trầm cảm, một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi là sự thay đổi cấu trúc và hóa học của não. Cụ thể, các chất được gọi là chất dẫn truyền thần kinh bị mất cân bằng ở những người trầm cảm. Các nguyên nhân có thể gây ra sự mất cân bằng bao gồm một số loại thuốc, lạm dụng rượu hoặc chất kích thích, thay đổi nội tiết tố hoặc theo mùa, hoặc chịu đựng một sự kiện đau buồn, chẳng hạn như nạn nhân của sự lạm dụng hoặc mất người thân hoặc một công việc.

Trầm cảm theo mùa

Nếu ai đó có kiểu cảm thấy chán nản trong một mùa cụ thể, người đó có thể mắc một loại trầm cảm được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) . Mặc dù SAD có thể xảy ra vào bất kỳ mùa nào, nhưng vào mùa thu và mùa đông khi ban ngày ngắn hơn thì nó dễ xảy ra hơn. Nghiên cứu cho thấy SAD xảy ra ở khoảng 3-20% dân số, tùy thuộc vào nơi họ sống.

Trầm cảm sau sinh

Điều mà mọi người thường gọi là “baby blues” khiến 75% các bà mẹ mới sinh con mắc phải. Hơn 10% trong số những phụ nữ đó trải qua nỗi buồn dai dẳng và nặng nề hơn ngay cả khi đứa con của họ khỏe mạnh. Tình trạng đó, được gọi là trầm cảm sau sinh, có các triệu chứng rất giống với các triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng. Tuy nhiên, trong chứng trầm cảm sau sinh, sức khỏe của em bé có thể gặp rủi ro vì người mẹ bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc tận hưởng, gắn bó và chăm sóc con mình. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người mẹ có thể trở thành mối nguy hiểm cho bản thân hoặc trẻ sơ sinh.

Trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm ảnh hưởng đến khoảng 2% trẻ em đang đi học và khoảng 10% thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ. Nó có thể làm suy yếu tình bạn và kết quả học tập của trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Nhiều triệu chứng tương tự như ở người lớn bị trầm cảm, nhưng trầm cảm có thể khó chẩn đoán hơn ở trẻ em, một phần vì chúng có thể quay trở lại các hành vi trước đó (thoái lui), có vẻ tức giận hoặc tham gia vào các hành vi nguy cơ.

Chẩn đoán bệnh trầm cảm

Một xét nghiệm máu cụ thể cho bệnh trầm cảm vẫn chưa được phát triển. Do đó, các bác sĩ phải sử dụng mô tả của người bệnh về các triệu chứng của họ để chẩn đoán tình trạng này. Các thông tin khác thường được thu thập trong quá trình đánh giá bao gồm thông tin về tiền sử bệnh, lạm dụng chất kích thích và sử dụng thuốc vì những vấn đề này có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm. Tìm hiểu tiền sử sức khỏe tâm thần và sức khỏe gia đình của một người nào đó có thể giúp xác định họ có nguy cơ mắc bệnh gì. Thảo luận về tâm trạng, hành vi và hoạt động hàng ngày có thể giúp chuyên gia sức khỏe tâm thần đánh giá mức độ nghiêm trọng và loại trầm cảm mà người đó đang trải qua. Việc thu thập tất cả thông tin này là rất quan trọng để chuyên gia đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Nói chuyện trị liệu cho bệnh trầm cảm

Nghiên cứu cho thấy rằng các hình thức khác nhau của liệu pháp trò chuyện (tâm lý trị liệu) có thể giúp giảm bớt chứng trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Mục tiêu của liệu pháp nhận thức – hành vi là giúp cá nhân thay đổi cách suy nghĩ và hành vi có thể dẫn đến trầm cảm. Trị liệu liên cá nhân làm việc với người trầm cảm để hiểu cách họ tương tác với người khác có thể góp phần gây ra bệnh trầm cảm. Liệu pháp tâm động học giúp người bị trầm cảm hiểu và đối mặt với việc các vấn đề trong quá khứ của họ có thể ảnh hưởng vô thức đến tâm trạng và hành động hiện tại của họ như thế nào. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết những người đang trải qua giai đoạn trầm cảm nặng đầu tiên của họ cần ít nhất sáu tháng điều trị để giải quyết giai đoạn trầm cảm.

Thuốc điều trị trầm cảm

Nhiều loại thuốc có hiệu quả để điều trị trầm cảm. Những loại thuốc này ảnh hưởng đến nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não, như serotonin và norepinephrine. Có thể mất một vài tuần để cảm nhận tác dụng tích cực của những loại thuốc này, vì vậy điều quan trọng là phải cảnh giác khi dùng chúng và trao đổi với bác sĩ trong quá trình này. Các nghiên cứu cho thấy những người bị trầm cảm có xu hướng khỏi bệnh nhanh hơn và mạnh mẽ hơn khi được điều trị bằng sự kết hợp của liệu pháp tâm lý và thuốc so với điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp đơn thuần.

Tập thể dục cho bệnh trầm cảm

Các nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục vừa phải có thể là một phần quan trọng trong việc giảm bớt chứng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình vì nó giải phóng các chất hóa học gọi là endorphin. Ngoài những lợi ích y tế của việc tập thể dục, việc giải phóng endorphin có xu hướng cải thiện tâm trạng và lòng tự trọng, giảm căng thẳng, tăng mức năng lượng và cải thiện giấc ngủ. Chỉ tham gia 30 phút hoạt động giúp tăng nhịp tim 3-4 lần mỗi tuần là đủ để bất kỳ ai cũng có thể gặt hái được những lợi ích của việc tập thể dục.

Liệu pháp ánh sáng (Quang trị liệu)

Liệu pháp ánh sáng, còn được gọi là quang trị liệu, có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho SAD và các loại trầm cảm khác. Hình thức điều trị này bao gồm việc ngồi trước một hộp đèn y tế phát ra một loại ánh sáng cụ thể trong vài phút mỗi ngày. Chỉ nên áp dụng phương pháp quang trị liệu khi có khuyến cáo của bác sĩ và thường được sử dụng cùng với liệu pháp tâm lý hoặc dùng thuốc để đạt được những hiệu quả tốt nhất.

St. John’s Wort cho trầm cảm

St. John’s Wort là một thảo dược đã được phát hiện có khả năng hỗ trợ cho bệnh trầm cảm nhẹ, nhưng hai nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng nó không có hiệu quả đối với bệnh trầm cảm vừa hoặc nặng. Ngoài ra, St. John’s Wort có thể tương tác kém với các loại thuốc khác. Do đó, điều quan trọng là phải hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc này hoặc bất kỳ chất bổ sung nào khác.

Vật nuôi cho bệnh trầm cảm

Mặc dù yêu thương vật nuôi không thể thay thế liệu pháp tâm lý và thuốc điều trị trầm cảm, nhưng những thành viên này có thể hữu ích cho nhiều người bị trầm cảm nhẹ. Vật nuôi giảm bớt căng thẳng bằng tình yêu và sự đồng hành của chúng đối với chủ. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp dùng động vật hỗ trợ cũng có thể làm giảm sự kích động thường đi kèm với trầm cảm.

Vai trò của hỗ trợ xã hội

Vì cô đơn thường đi kèm với chứng trầm cảm, nên có những mối quan hệ tốt và sự hỗ trợ xã hội có thể là một phần quan trọng trong việc hồi phục sau căn bệnh này. Tham gia một nhóm hỗ trợ, trực tiếp hoặc trực tuyến, tiếp xúc thường xuyên với những người thân yêu, hoặc tham gia câu lạc bộ có thể giúp tránh cô lập về mặt xã hội. Sự kết nối tâm linh với những người khác tại cơ sở tôn giáo hoặc chỉ tin vào một sức mạnh lớn hơn chính mình, cũng có thể giúp giảm trầm cảm.

Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS)

Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) giúp bệnh nhân trầm cảm mãn tính đã điều trị kết hợp liệu pháp tâm lý và thuốc mà không cải thiện. Liệu pháp VNS là phẫu thuật chèn một thiết bị điện để tạo ra một mô hình điện bình thường trong não bằng cách gửi các xung điện qua dây thần kinh phế vị ở cổ từ đó giúp giảm bớt trầm cảm. Tuy nhiên, có thể mất vài tháng điều trị trước khi ghi nhận bất kỳ sự cải thiện nào của bệnh trầm cảm.

Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) là một lựa chọn điều trị khác cho những người phải vật lộn với chứng trầm cảm kháng trị nghiêm trọng. Phương pháp điều trị này bao gồm sử dụng xung điện để tạo ra một cơn co giật có kiểm soát trong khi bệnh nhân đang được dùng thuốc an thần. ECT cải thiện trầm cảm cho 80% đến 90% bệnh nhân thực hiện nó. Mặc dù hình thức điều trị này có một lịch sử lâu đời và gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng qua nhiều thập kỷ thay đổi cách thực hiện đã làm giảm đáng kể các tác dụng phụ và cải thiện hiệu quả của phương pháp này.

Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)

Kích thích từ trường xuyên sọ lặp đi lặp lại (rTMS) là một lựa chọn khác cho những người bị trầm cảm nặng không đáp ứng đầy đủ với thuốc và liệu pháp tâm lý. Với rTMS, các bác sĩ hướng dòng điện từ vào hộp sọ để kích thích dòng điện nhỏ trong một phần não có liên quan đến chứng trầm cảm. Trái ngược với ECT, rTMS không gây co giật và dường như có ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, không có nhiều bác sĩ được đào tạo và có kinh nghiệm để thực hiện hình thức điều trị này.

Các triển vọng

Khi bị các triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng, người ta có thể cảm thấy tuyệt vọng và không thể hoạt động được. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị được và có tới 80% những người mắc chứng này phục hồi với sự trợ giúp của thuốc, liệu pháp trò chuyện hoặc cả hai hình thức điều trị. Đối với những người không cải thiện với các phương pháp điều trị truyền thống đó, các biện pháp can thiệp như VNS, ECT, hoặc rTMS có thể mang lại sự thuyên giảm đáng kể cho nhiều người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *