9 lợi ích sức khỏe từ quả bơ

Bơ là một loại trái cây ngon và độc đáo. Hầu hết mọi người đều coi quả bơ là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì chúng giàu chất dinh dưỡng. Dưới đây là 9 lợi ích cho sức khỏe từ quả bơ dựa trên các bằng chứng khoa học đã được nghiên cứu.

1. Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời

Quả bơ không chỉ ngon mà còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác giúp cơ thể khỏe mạnh. Dưới đây là thành phần cho 1 quả bơ nặng khoảng 200 gam:

  • Calo: 322
  • Chất béo: 30 gam
  • Chất đạm: 4 gam
  • Carbohydrat: 17 gam
  • Chất xơ: 14 gam
  • Vitamin C: 22% giá trị hàng ngày (DV)
  • Vitamin E: 28% DV
  • Vitamin K: 35% DV
  • Riboflavin (B2): 20% DV
  • Niacin (B3): 22% DV
  • Axit pantothenic (B5): 56% DV
  • Pyridoxine (B6): 30% DV
  • Folate: 41% DV
  • Magiê: 14% DV
  • Kali: 21% DV
  • Đồng: 42% DV
  • Mangan: 12% DV

2. Bơ chứa nhiều kali hơn chuối

Với cùng một khối lượng như nhau thì kali trong quả bơ nhiều hơn chuối

Cơ thể bạn cần kali để hoạt động, khoáng chất này cần thiết cho một số chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm điều hòa huyết áp và chức năng hệ thần kinh. Nhận đủ lượng kali khuyến nghị hàng ngày có thể giúp cơ thể khỏi tăng huyết áp và đột quỵ. Hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến chuối khi cần bổ sung kali, nhưng thực tế với cùng một khối lượng như nhau thì trong quả bơ chứa nhiều kali hơn chuối.

3. Bảo vệ đôi mắt

Quả bơ là nguồn cung cấp lutein và zeaxanthin tương đối tốt. Lutein và zeaxanthin là các carotenoid chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong mắt người.

Vì cơ thể không tự sản xuất lutein và zeaxanthin nên chế độ ăn uống là nguồn cung cấp chủ yếu của 2 loại carotenoid này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu lutein và zeaxanthin sẽ tốt cho sức khỏe của mắt, có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, là những bệnh về mắt phổ biến do tuổi tác.

Hầu hết các chất chống oxy hóa của quả bơ được tìm thấy trong phần thịt màu xanh đậm gần với vỏ nhất.

4. Tốt cho đường ruột

1 quả bơ 200 gam cung cấp khoảng 14 gam chất xơ. Chế độ ăn uống cung cấp đủ chất xơ là điều cần thiết cho sức khỏe của hệ tiêu hóa vì nó giúp thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột.

Một nghiên cứu với 163 người lớn bị coi là thừa cân, bổ sung bơ vào chế độ ăn hàng ngày trong 12 tuần (nam 175 gam/ngày, nữ 140 gam/ngày). Kết quả cho thấy nồng độ axit mật trong phân thấp hơn và tăng tính đa dạng của vi khuẩn ruột so với nhóm đối chứng. Nồng độ axit mật cao gây ra viêm ruột và có liên quan đến sự phát triển của vi khuẩn gây ung thư ruột kết.

5. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Không giống như các loại trái cây khác, bơ rất giàu chất béo. Trên thực tế, khoảng 77% lượng calo của quả bơ đến từ chất béo.

Chất béo trong bơ là chất béo không bão hòa đơn, cộng với một lượng nhỏ chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa đa. Hầu hết chất béo không bão hòa đơn đó là axit oleic (là loại axit béo có trong ô liu và dầu ô liu). Đây là loại chất béo được coi là rất tốt cho sức khỏe.

Một đánh giá của 10 nghiên cứu cho thấy rằng việc thay thế một số chất béo trong chế độ ăn bằng quả bơ có thể làm tổng lượng cholesterol trung bình giảm 18,8 mg/dL,  LDL cholesterol giảm 16,5 mg/dL, và triglyceride giảm 27,2 mg/dL.

Trong một nghiên cứu khác, khi so sánh chế độ ăn kiêng vừa phải giữa bữa ăn có bơ với bữa ăn dùng dầu chứa nhiều axit oleic. Kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống có bơ đã cải thiện mức lipid trong máu thậm chí nhiều hơn chế độ ăn kiêng với các loại dầu có nhiều axit oleic. Chế độ ăn uống có bơ cũng làm giảm 10% LDL cholesterol (có hại) và 8% cholesterol toàn phần.

Không những thế, bơ chứa phytosterol hòa tan trong chất béo nhiều hơn gần 20 lần so với các loại trái cây khác. Phytosterol là hợp chất thực vật được cho là có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch.

6. Tốt cho não bộ

Bơ cung cấp cho bạn một lượng vitamin E có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer giúp làm chậm sự suy giảm trí nhớ và kỹ năng tư duy. Điều này có thể liên quan đến đặc tính chống oxy hóa của vitamin E – nó có thể giúp chống lại các tổn thương tế bào gây ra theo thời gian bởi những thứ như ô nhiễm và bức xạ từ mặt trời.

Bơ cũng là nguồn cung cấp folate (vitamin B9) tuyệt vời. Ở những người không bổ sung đủ loại vitamin B này có thể dễ bị trầm cảm hơn và khả năng đáp ứng với thuốc chống trầm cảm kém hơn. Folate cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh bẩm sinh ở thai nhi.

7. Tốt cho xương khớp

Nửa quả bơ (khoảng 100gam) cung cấp cho một người trưởng thành 15% nhu cầu vitamin K hằng ngày. Vitamin K giúp cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa gãy xương.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ bơ và dầu đậu nành, được gọi là bơ/đậu nành không xà phòng hóa (ASU), có thể làm giảm đau và cứng liên quan đến viêm xương khớp. Đặc biệt, ASU dường như có lợi cho những người bị thoái hóa khớp háng và đầu gối.

8. Cải thiện làn da và tăng cường chữa lành vết thương

Quả bơ có nhiều axit béo và chất chống oxy hóa giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và sức khỏe tổng thể của làn da.

Nguồn vitamin A và E dồi dào trong quả bơ có thể giúp giữ cho làn da trông trẻ trung hơn bằng cách làm mờ các nếp nhăn. Các chất chống oxy hóa (như carotenoid, tocopherol, các sterol thực vật) cũng bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. Bột bơ có thể giúp chữa lành vết thương, vì vậy bạn có thể đắp lên vết cháy nắng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thoa kem có chứa dầu bơ (20%) và vitamin B12 giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh vẩy nến.

9. Tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng

Một số chất dinh dưỡng như vitamin A, D, E và K, các carotenoid như beta-carotene, lycopene, lutein và zeaxanthin tan trong dầu, nghĩa là cơ thể bạn sẽ hấp thu tốt hơn nếu như chúng được ăn kèm với chất béo. Thật không may, nhiều loại trái cây và rau quả giàu carotenoid, chẳng hạn như dưa hấu và cà chua, lại ít chất béo. Do đó, thêm dầu bơ hoặc một loại chất béo khác vào bữa ăn có thể giúp cơ thể bạn hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng này.

Nguồn tham khảo: webmd, healthline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *